Vụ phun trào núi lửa Sarychev Peak ở Nga năm 2009. Ảnh: NASA |
Theo Science Mag, phun trào núi lửa đã làm chậm lại đáng kể hiện tượng nóng lên của Trái Đất từ năm 2000 đến năm 2013. Các hạt nhỏ như bụi bị đẩy lên cao, phát tán vào khí quyển làm phản xạ và tán xạ ánh sáng mặt trời quay trở lại không gian, ngăn cản nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng lên từ 0,05°C đến 0,12°C.
David Ridley tại Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ và đồng nghiệp sử dụng ánh sáng laser để khảo sát khí quyển tại bốn địa điểm trên khu vực bắc bán cầu. Bằng cách đo lượng ánh sáng laser phản xạ lại khi chiếu xuống Trái Đất, các nhà nghiên cứu có thể ước tính nồng độ sol khí ở độ cao khác nhau. Dữ liệu khác thu được từ bóng thám không và vệ tinh sẽ hỗ trợ, kiểm soát phép đo bằng laser.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, độ cao thấp của tầng bình lưu chứa nhiều sol khí từ những vụ phun trào núi lửa nhỏ. Tuy nhiên, hiệu quả làm mát của chúng không thể giải thích hoàn toàn cho sự gián đoạn của hiện tượng ấm lên toàn cầu, khi nhiệt độ trung bình của Trái đất tăng chậm lại kể từ cuối những năm 1990.
Các nhà khoa học tin rằng, phần lớn lượng nhiệt bị mất đã đi vào đại dương, làm tăng nhiệt ở những vùng nước sâu trong đại dương. "Phát hiện này giúp chúng ta hiểu vì sao nhiệt độ Trái Đất không nóng lên quá nhiều so với các mô hình khí hậu trong thập kỷ vừa qua", Brian Toon, nhà khoa học khí quyển tại Trường Đại học Colorado, Mỹ, nói.
Hiệu ứng làm mát của các vụ phun trào núi lửa lớn đã được biết đến từ lâu. Chúng phát tán vào tầng bình lưu nhiều sol khí gây tán xạ ánh sáng. Tuy nhiên, hiệu ứng tương tự của những vụ phun trào nhỏ vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi. Một số người cho rằng, các sol khí từ hoạt động này không thể vượt qua được tầng đối lưu.
Lê Hùng
Nguồn tin từ VnExpress.net