• News
  • Company News
  • Chiến tranh mạng được công khai hóa ở tầm quốc gia
Các chuyên gia bảo mật khẳng định, khi chiến tranh mạng xảy ra, không một quốc gia nào có thể khoanh tay đứng ngoài, kể cả Việt Nam.

Phát biểu trong sự kiện Ngày An toàn thông tin sáng 1/12 tại Hà Nội, ông Vũ Quốc Thành, Phó tổng thư ký Hiệp hội An toàn thông tin (VNISA), cho biết chiến tranh mạng và các cuộc tấn công tàn khốc đang trở thành phương thức tiêu chuẩn để giải quyết xung đột kinh tế, chính trị và quốc gia.

"Trước đây, nhiều nước cũng đã đầu tư trang bị, nhân lực cho chiến tranh mạng nhưng đều là dự án mật, diễn ra âm thầm. Còn hiện nay, cuộc chạy đua vũ trang mạng đang được công khai hóa ở tầm quốc gia. Chẳng hạn, Mỹ là nước đầu tiên công khai mở gói thầu 460 triệu USD với mục tiêu chuẩn bị hạ tầng cho không gian mạng", ông Thành nhấn mạnh.

Tương tự, đầu tuần này, BBC cho biết Chính quyền Hàn Quốc kỳ vọng tuyển khoảng 120 lập trình viên trẻ tài năng nhất của đất nước và cung cấp cho họ học bổng toàn phần nhưng đổi lấy 7 năm phục vụ trong quân sự. Hàn Quốc cũng tăng chi tiêu cho công tác an ninh thông tin mạng tới gần 50% lên mức 250 tỷ won (khoảng 218 triệu USD) từ năm 2009 đến năm 2015.

chien-tranh-mang-duoc-cong-khai-hoa-o-tam-quoc-gia

Chiến tranh mạng đã được công khai qua các dự án an ninh thông tin trị giá hàng trăm triệu USD của các nước.

Các chuyên gia bảo mật khẳng định, khi chiến tranh mạng xảy ra, không một quốc gia nào có thể khoanh tay đứng ngoài, kể cả Việt Nam. Trên thực tế, Việt Nam nhiều lần đã trở thành mục tiêu của hacker. Giữa năm 2015, công ty bảo mật FireEye (Mỹ) phát hiện ra nhóm tin tặc APT30, được cho là có sự hậu thuẫn của chính phủ Trung Quốc, đã âm thầm phát tán phần mềm chứa mã độc để tiếp cận hàng loạt máy tính "chứa các thông tin tình báo quan trọng về chính trị, kinh tế, quân sự" ở các nước châu Á, trong đó đáng chú ý là Việt Nam, Thái Lan, Hàn Quốc từ năm 2005 đến nay.

Hiệp hội VNISA cho biết, Chỉ số An toàn thông tin của Việt Nam năm 2015 đạt 46,5% - dưới mức trung bình (50%) và còn kém các nước khác như Hàn Quốc (trên 60%). Tuy nhiên, con số này thể hiện sự tiến bộ rõ rệt so với năm 2014 (39%).

Ông Vũ Quốc Thành cho biết, nguyên nhân của sự tăng điểm này là do các tổ chức, doanh nghiệp đã nhận thức đúng đắn hơn về nguy cơ mất an toàn thông tin, từ đó tăng cường, chú trọng các biện pháp quản lý hơn.

"Các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực tài chính công, ngân hàng đã có sự chuyển biến rõ rệt trong vấn đề nhận thức về an toàn thông tin trong khoảng 2 năm qua, đúng như chỉ số ATTT đã thể hiện. Họ quan tâm, đầu tư và ứng dụng các chuẩn bảo mật về con người, quy trình cho tới các giải pháp công nghệ", ông Ngô Duy Hiệp, chuyên gia bảo mật của IBM, cho hay. "Trước đây, nhiều doanh nghiệp tỏ ra chần chừ trong việc triển khai biện pháp bảo mật cho hệ thống thông tin của họ, nhưng hiện quan điểm này đã thay đổi rõ rệt vì nếu bị tấn công, ngoài những tổn thất phát sinh thì uy tín doanh nghiệp là thứ rất khó để lấy lại được".

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng trích dẫn báo cáo của Global Risk 2015 rằng có đến 90% các công ty trên toàn thế giới tự thừa nhận chưa chuẩn bị kỹ càng, đầy đủ để tự bảo vệ trước các cuộc tấn công mạng. Những thiệt hại do tội phạm mạng gây ra cho nền kinh tế toàn cầu lên tới hơn 400 tỷ USD/năm

Tại Việt Nam, dù nhận thức về bảo mật đã tăng lên đáng kể nhưng không ít cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vẫn đang buông lỏng, hầu như không áp dụng biện pháp tối thiểu để bảo đảm ATTT và chưa có quy trình thao tác chuẩn để ứng phó khi sự cố xảy ra. Trong khi đó, Việt Nam lại luôn nằm trong danh sách các nước có tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại, mã độc ở mức cao.

chien-tranh-mang-duoc-cong-khai-hoa-o-tam-quoc-gia-1

Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng.

Ông Keshav S Dhakak, Thẩm phán cao cấp thuộc Trung tâm phòng chống tội phạm mạng châu Á của Microsoft, khẳng định: "Tội phạm mạng đang gia tăng nhanh chóng trên quy mô toàn cầu, trở thành ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD và gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng. Chúng sử dụng mã độc và gây ra hậu quả khủng khiếp cho các chính phủ, cá nhân và các hoạt động kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực tài chính".

Vì vậy. Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh, vấn đề cấp thiết đặt ra cho Việt Nam là làm thế nào xây dựng và kiện toàn được khả năng chuẩn bị, đối phó và xử lý các sự cố mất ATTT và tấn công mạng một cách hiệu quả nhất.

Châu An

Nguồn tin từ VnExpress.net