Thông tin từ giới kinh doanh hàng điện máy, do thời tiết ở khu vực phía Nam đang ngày càng nóng bức nên nhu cầu mua sắm máy lạnh đã tăng từ 30% - 40% so với tháng trước.

Ham rẻ là mắc bẫy:

Ghi nhận tại một số trung tâm điện máy ở TP.HCM cho thấy khá nhiều nơi có chương trình khuyến mãi, giảm giá. Nơi ít thì giảm 5% - 7%; cao hơn là 10%; thậm chí có loại giảm đến 20%, trong đó có đơn vị quảng cáo kiểu siêu khuyến mãi. Chẳng hạn, các loại máy lạnh được nhập từ Malaysia, Thái Lan chỉ bán với giá từ 3,2 triệu đồng – 3,4 triệu đồng/bộ (loại công suất 1 HP). Tuy nhiên, khi hỏi mua thì nhân viên cho biết… đang tạm hết hàng. Hoặc rao máy lạnh Sharp của Nhật giá bán chỉ 4,8 triệu đổng/bộ (1 HP) nhưng khách hàng tìm đỏ mắt cũng không thấy hàng ở đâu…

Một số cửa hàng lại chọn “chiêu” khác. Nếu căn cứ trên giá bán tại cửa hàng của họ thì giá giảm thật, thậm chí giảm cả triệu đồng/bộ. Thế nhưng nếu so với mặt bằng giá trên thị trường thì không hề rẻ. Chăng hạn, loại máy lạnh 1 HP của Hàn Quốc được quảng cáo giá gốc 5,6 triệu đồng/bộ, giảm giá 1 triệu đồng, còn 4,6 triệu đồng. Trong khi đó, giá thị trường loại này chưa đến 5 triệu đồng. Loại máy lạnh LG (1,5 HP) nhiều nơi có khuyến mãi đã đẩy giá lên 8 triệu đồng rồi giảm giá 500.000 đồng. Trong khi thực tế giá thị trường loại này chỉ khoảng 6,4 triệu đồng/bộ. Ăn “bạo” hơn là hiệu máy lạnh Sharp (loại 1,5 HP), giá thị trường khoảng 6,2 triệu đồng/bộ nhưng họ đẩy giá lên đến 8,4 triệu đồng rồi sẳn sàng giảm giá 1 triệu đồng. Tính ra, sau khi giảm giá vẫn cao hơn giá thật đến 800.000 đồng…

Đối với các loại máy lạnh sản xuất trong nước, giá cả khá rõ ràng, nhưng nhiều nơi bán hàng vẫn kích giá cao hơn vài trăm ngàn đồng/bộ. Ví dụ loại máy lạnh Reetech (1,5 HP) giá bán 7,6 triệu đồng, khuyến mãi giảm 1 triệu đồng (còn 6,6 triệu đồng), trong khi mặt bằng giá thị trường chỉ khoảng 6,2 triệu đồng. Tương tự, loại 1 HP có giá bán khuyến mãi là 5,3 triệu đồng/bộ, cao hơn bên ngoài 200.000 đồng…

Tìm hiểu sự việc từ các hãng điện tử, họ đều cho biết trong thời điểm này họ không có chủ trương giảm giá máy lạnh, thậm chí có hãng còn tăng giá bán (Toshiba tăng khoảng 200.000 đổng/bộ, Panasonic tăng từ 200.000 đồng – 300.000 đồng/bộ…). Việc quảng cáo giảm giá là do các nhà bán lẻ tự tổ chức nên họ không chịu trách nhiệm.

Hàng giá rẻ: Rủi ro cao

Ngoài vấn đề “mỗi nơi mỗi giá, giá khuyến mãi cao hơn giá thị trường…”, sự phức tạp của thị trường máy lạnh hiện nay còn ở chỗ ngày càng xuất hiện nhiều loại máy lạnh thương hiệu lạ, giá bèo.

Tại nhiều cửa hàng điện máy trên đường Hùng Vương (Q.5), khu vực Bảy Hiền (Q.Tân Bình), Huỳnh Thúc Kháng (Q.1)… hiện có bán hàng chục nhãn hiệu máy lạnh do các cơ sở nhỏ tự mua linh kiện Trung Quốc về lắp ráp. Giá các loại máy lạnh này khá “mềm”, loại 1 HP chỉ từ 3,2 triệu – 3,6 triệu đồng/bộ; loại 1,5 HP từ 4 triệu – 4,5 triệu đồng/bộ. Các loại máy lạnh này dù vẫn được bảo hành nhưng theo các nhà chuyên môn thì chất lượng không ổn định.

Loại máy lạnh này thường hay gặp trục trặc do được lắp bằng linh kiện trôi nổi không đồng bộ. Những sự cố hay gặp như bo mạch không nhạy, cảm biến nhiệt độ không đúng, hư bo mạch, xì mối hàn ống đồng. Khi máy hoạt động thường có tiếng ồn cao. Độ lạnh không đạt được mức tối đa (chỉ bằng 60% - 80% so với hàng chính hãng) nên dẫn đến hao điện (độ lạnh kém cho nên máy hoạt động liên tục). Một trục trặc khác cũng rất hay gặp là nước từ dàn lạnh “bắn” ra thường xuyên do thiết kế dàn lạnh không chuẩn…

Hưng Long