Các thí sinh lọt vào vòng hai cuộc thi S.M.A.C Challenge 2015 đã có hai ngày trải nghiệm công nghệ S.M.A.C cùng với các chuyên gia công nghệ của Tập đoàn FPT.

"Việt Nam không cách biệt quá xa với các nước khác. Sự ra đời của công nghệ mới như S.M.A.C đem lại lợi thế lớn so với quá khứ mà FPT đã nắm bắt được, đó là được sống trong môi trường công nghệ để sáng tạo và đón nhận cơ hội ngang nhau", Giám đốc Công nghệ FPT Software Lê Hồng Việt chia sẻ sáng ngày 18/10 tại Đại học FPT (Hà Nội).

Các thí sinh đã cùng nhau tìm hiểu và trải nghiệm những sản phẩm dựa trên nền tảng công nghệ S.M.A.C mà FPT đang triển khai như Sàn giao dịch quảng cáo trực tuyến ANTS, truyền hình FPT và FPT Play, ứng dụng điều khiển TV bằng giọng nói, vé tàu điện tử, sàn thương mại điện tử Sendo…

Các hoạt động nhóm cũng được Ban tổ chức tiến hành với các trò chơi như xây tháp, Diplomacy… để giúp thí sinh có cơ hội rèn luyện các kỹ năng mềm như tư duy lãnh đạo, xây dựng chiến lược, quản lý, ra quyết định, thương thuyết, đàm phán… và thể hiện tinh thần làm việc nhóm. Hoạt động này chiếm 15% số điểm của các thí sinh trong toàn bộ vòng hai.

hon-200-sinh-vien-cung-trai-nghiem-cong-nghe-smac

Các thí sinh tham gia các trò chơi rèn luyện tinh thần làm việc theo nhóm.

Lần đầu tiên tham dự S.M.A.C Challenge, Hoàng Thanh Tâm (Đại học Công nghệ Hà Nội) chia sẻ: "Các hoạt động thật sự vui và bổ ích, chúng em không chỉ được cung cấp những kiến thức về công nghệ mà còn rèn luyện các kỹ năng làm việc nhóm, làm chiến lược, thuyết trình…".

Sau 2 tháng phát động, cuộc thi S.M.A.C Challenge 2015 đã thu hút hơn 68 đội thi với 300 thí sinh trên toàn quốc. Đã có gần 140 ý tưởng được đưa ra dựa trên nền tảng công nghệ giọng nói, phần lớn gắn liền với các vấn đề xã hội như robot hỗ trợ việc nhà, chăm sóc em bé, khám chữa bệnh cho con người, hỗ trợ lái xe, tìm đường, hướng dẫn viên du lịch…

Để biến ý tưởng thành sản phẩm công nghệ thực tế, từ ngày 8/10, FPT đã kích hoạt tài khoản đào tạo trên website smac.fpt.com.vn. Với tài khoản Cituspaas do FPT cung cấp, các thí sinh có thể tự tạo ứng dụng từ các ngôn ngữ lập trình như NodeJs, PHP, Java, Ruby... Bên cạnh đó, các thí sinh còn được cung cấp một số dịch vụ thông minh như: Dịch vụ tổng hợp tiếng nói tiếng Việt (TTS); Dịch vụ phân tích ngôn ngữ tự nhiên cho tiếng Việt (NLU; Dịch vụ cơ sở dữ liệu dạng đồ thị (Neo4j); Dịch vụ hỏi đáp (AIML) được xây dựng để phát triển ngôn ngữ tự nhiên giữa người và máy. Ngoài ra, ở vòng chung kết, FPT sẽ cung cấp robot cho các thí sinh phát triển sản phẩm.

Với chủ đề "Số hóa giọng nói", S.M.A.C Challenge 2015 là cuộc thi đầu tiên tại Việt Nam tìm kiếm và phát triển ý tưởng công nghệ tương tác bằng giọng nói. Tổng giá trị giải thưởng là 250 triệu VND (bao gồm tiền mặt và hiện vật). Ngoài ra, cuộc thi còn mang đến cho các bạn thí sinh nhiều cơ hội việc làm trong lĩnh vực công nghệ mới, cơ hội được Quỹ FPT Ventures rót vốn đầu tư.

Châu An

Nguồn tin từ VnExpress.net