Nghiên cứu hóa thạch chỉ ra rằng loài kỳ giông từng sống cách đây 230 triệu năm có kích thước tương đương một chiếc ôtô nhỏ.
1000-8879-1427279817.jpg

Mô phỏng kỳ giông Metoposaurus algarvensis. Ảnh: PA

Loài Metoposaurus algarvensis từng sống trong môi trường nước ở Bồ Đào Nha cách đây khoảng 230 triệu năm, trong kỷ Trias (kỷ Tam Điệp).

"Loài lưỡng cư mới trông giống một thứ gì đó trong bộ phim về quái vật xấu xí. Nó dài bằng một chiếc ôtô nhỏ và có hàng trăm chiếc răng sắc nhọn trên phần đầu. Chiếc đầu lớn, phẳng và có hình dạng như ghế toilet khi hàm răng đóng lại", Huffington Post hôm qua dẫn lời Steve Brusatte, chuyên gia Đại học Edinburgh, Anh, nói.

Nhóm nghiên cứu tìm thấy hóa thạch kỳ giông ở một hồ nước cạn tại Bồ Đào Nha. Các loài bò sát tương tự từng được xác định trong cùng giai đoạn này trên khắp thế giới, nhưng đây là trường hợp đầu tiên ở bán đảo Iberia.

Hầu hết các loài kỳ giông khổng lồ Metoposaurus đã biến mất trong cuộc đại tuyệt chủng cách đây 201 triệu năm, khi siêu lục địa Pangaea tách ra. Sự kiện này khiến nhiều loài có xương sống như bò sát lớn biến mất và mở đầu cho kỷ nguyên thống trị của khủng long.

Anh Hoàng