Nhãn năng lượng chứng nhận: Là tem nhãn thể hiện hình biểu tượng Tiết kiệm năng lượng (hay còn gọi là Ngôi sao năng lượng Việt) được dán cho các phương tiện, thiết bị lưu thông trên thị trường khi những phương tiện, thiết bị này có mức hiệu suất năng lượng đạt hoặc vượt mức hiệu suất năng lượng cao (HEPS) do Bộ Công Thương quy định theo từng thời kỳ.

Căn cứ vào mức độ tiết kiệm năng lượng nhãn năng lượng phân chia thành 5 cấp độ tương ứng với 5 ngôi sao năng lượng, như vậy cùng ngành nghề sản phẩm nào có mức ngôi sao nhiều hơn thì sẽ có khả năng tiết kiệm năng lượng hơn.

Nhãn năm sao là nhãn có hiệu suất tốt nhất nhằm cung cấp cho người tiêu dùng biết các thông tin về hiệu suất năng lượng của phương tiện, thiết bị này so với các phương tiện, thiết bị cùng loại khác trên thị trường, giúp người tiêu dùng lựa chọn được phương tiện, thiết bị có mức tiêu thụ năng lượng tiết kiệm hơn.

Nhãn so sánh năng lượng bao gồm các thông tin:

a) Mã chứng nhận: Là mã do Bộ Công Thương cấp nhằm phục vụ công tác quản lý, được Bộ Công Thương quy định cụ thể trong Giấy chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng.

b) Tên/mã sản phẩm: Là tên hoặc mã sản phẩm doanh nghiệp đăng ký dán nhãn và được Bộ Công Thương cấp trong Giấy chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng.

c) Hãng sản xuất: Là tên của tổ chức/doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đăng ký dán nhãn năng lượng.

d) Nhà nhập khẩu: Là tên của tổ chức/doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm đăng ký dán nhãn năng lượng (chỉ áp dụng đối với nhà nhập khẩu).

e) Phần thể hiện chỉ số đánh giá mức tiết kiệm năng lượng (Cấp hiệu suất năng lượng): Lượng năng lượng tiêu thụ trong một giờ vận hành của các sản phẩm cùng chủng loại nhưng do các nhà sản xuất khác nhau chế tạo được chia thành 5 khoảng tương ứng với số sao trên nhãn (từ 1 sao đến 5 sao). Mức tiết kiệm năng lượng (cấp hiệu suất năng lượng) do Bộ Công Thương xác định qua việc đánh giá kết quả thử nghiệm chỉ tiêu hiệu suất năng lượng của sản phẩm và được thể hiện trong Giấy chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng.

f) Mức tiêu thụ năng lượng của sản phẩm: trị số tiêu thụ năng lượng được tính bằng kWh/năm.

g) Các thông tin khác: được quy định chi tiết trong Quyết định cấp Giấy chứng nhận phù hợp với từng loại sản phẩm cụ thể.

Mục đích của việc dán nhãn TKNL là gì?
nhan_nang_luong_daikin

Hoạt động dán nhãn năng lượng là biện pháp có hiệu quả nhằm định hướng việc sử dụng các phương tiện, thiết bị hiệu suất cao, tiến tới loại bỏ dần các phương tiện, thiết bị có công nghệ lạc hậu, giảm tiêu hao năng lượng trong sản xuất.
Thực hiện dán nhãn năng lượng sẽ tạo ra sức ép thúc đẩy các nhà sản xuất luôn phấn đấu sản xuất và đưa ra thị trường các sản phẩm có hiệu suất cao; buộc các đơn vị kinh doanh, nhập khẩu thiết bị đưa ra các sản phẩm đạt hoặc vượt tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng đã quy định và đảm bảo các thông số ghi trên nhãn, giúp người tiêu dùng chọn đúng các các sản phẩm TKNL hoặc sản phẩm có hiệu suất năng lượng mong muốn đang lưu thông trên thị trường. Với hàng triệu các sản phẩm sử dụng năng lượng có hiệu suất cao được dùng rộng rãi trong đời sống sẽ tổng hợp thành mức tiết kiệm lớn, đưa lại hiệu quả kinh tế cao cho toàn xã hội.

Khi tham gia dán nhãn TKNL cho sản phẩm doanh nghiệp được hưởng lợi gì?


Về phía người tiêu dùng, nhãn TKNL khi xuất hiện trên thị trường đóng vai trò như một yếu tố thu hút sự chú ý cũng như thường xuyên lưu ý người tiêu dùng khi đưa ra các quyết định mua sắm thiết bị sử dụng năng lượng.

Đối với các nhà sản xuất, một khi các sản phẩm TKNL được dán nhãn xuất hiện trên thị trường và gây sự chú ý của cộng đồng, khi đó sẽ hình thành áp lực lên các nhà sản xuất chưa dán nhãn sản phẩm TKNL, tạo động cơ để các nhà sản xuất đầu tư, nâng cao hiệu suất cho các sản phẩm được sản xuất, đem ra thị trường.

Khi tham gia Chương trình dán nhãn TKNL doanh nghiệp sẽ được nhiều lợi ích cả trước mắt và lâu dài. Lợi ích trước mắt là tăng đầu ra cho sản phẩm đồng thời DN có các sản phẩm TKNL sẽ được hưởng các ưu đãi tài chính. Về lâu dài, việc thực hiện dán nhãn TKNL chính là cơ hội để DN quảng bá thương hiệu và khẳng định uy tín trên thị trường. Dán nhãn TKNL không chỉ là tiêu chí đánh giá ‎ý thức tham gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của DN mà thông qua đó còn tạo ra xu hướng tiêu dùng trong xã hội hiện đại.

Các sản phẩm có cùng mức sao năng lượng thì khách hàng có thể tham khảo thêm thông số hiệu suất năng lượng do nhà sản xuất cung cấp để có cơ sở xác định sản phẩm tiết kiệm điện hơn.

Hiệu suất năng lượng hiện nay có 02 thông số là CSPF và EER.

hieu_suat_nang_luong_eerChỉ số EER của máy điều hòa nhiệt độ được đo bằng tỷ số công suất lạnh BTU/h (hay còn được viết là BTU) với công suất tiêu thụ điện tính bằng watt (BTU/h/W). Chỉ số EER càng cao thì các sản phẩm điều hòa không khí càng hiệu quả hơn.

EER=BTU/W

Ví dụ: Nếu máy điều hòa nhiệt độ có chỉ số là 10.000 BTU tiêu thụ 1.200W điện, thì chỉ số EER là 8,3 (tức là 10.000BTU/1.200W).

Đối với máy điều hòa nhiệt độ dân dụng, chỉ số này là tỷ lệ hiệu suất năng lượng viết tắt là EER (Energy Efficiency Ratio). Đối với những máy điều hòa nhiệt độ hệ thống (máy điều hòa trung tâm), chỉ số này là tỷ lệ hiệu suất năng lượng theo mùa, viết tắt là SEER (Seasonal Energy Efficiency Ratio).

EER thường chỉ được dùng để đánh giá hiệu suất năng lượng của máy lạnh thường. Ngày nay các máy lạnh Inverter thường dùng một chỉ số đánh giá hiệu suất năng lượng chính xác hơn là CSPF.

CSPF là từ viết tắt của Cooling Seasonal Performance Factor có nghĩa là chỉ số hiệu suất lạnh toàn mùa. Chỉ số CSPF cho ta biết tương ứng với 1kWh điện, máy Điều hòa không khí tiêu thụ, sẽ nhận được bao nhiêu hơi lạnh từ không gian được điều hòa, tính cả yếu tố nhiệt độ thay đổi theo mùa trong một năm, Giá trị CSPF càng cao thì hiệu suất làm lạnh càng lớn.

CSPF = CSTL/CSTE

Trong đó:

CSTL là tổng lượng nhiệt mà máy điều hòa không khí lấy đi từ không gian cần điều hòa trong toàn mùa.

CSTE là tổng lượng điện năng tiêu thụ bởi máy điều hòa không khí trong toàn mùa đang khảo sát.