Với mức giá rẻ hơn nhiều so với hàng quốc tế, những chiếc iPhone 5, 5C khoá mạng dùng SIM ghép xuất xứ từ Nhật đang gây cơn sốt nhẹ ở thị trường xách tay.

iPhone khoá mạng hay còn gọi là iPhone lock không xa lạ với những người chơi công nghệ hoặc từng dùng iPhone lâu năm. iPhone 2G đời đầu hay những mẫu như iPhone 3G, 3GS khi về Việt Nam thời gian đầu đều phải sử dụng SIM ghép để hoạt động, hoặc phải bẻ khoá phần mềm và sử dụng thủ thuật mở mạng. Chỉ đến những dòng máy sau này khi Apple mở rộng chính sách phân phối sản phẩm, iPhone bản quốc tế trở nên phổ biến và khiến cho dòng máy khoá mạng dùng SIM ghép không còn được ưa chuộng tại thị trường trong nước.

Thông thường mỗi khi iPhone mới bán ra, thị trường iPhone khoá mạng dùng SIM ghép hoạt động nhộn nhịp lên vì giá bán của các máy này thường rẻ hơn đáng kể so với hàng quốc tế. Ví dụ một chiếc iPhone 6 có giá bán trên 20 triệu đồng trong tháng đầu tiên, thì một chiếc iPhone 6 khoá mạng dùng SIM ghép có giá chỉ khoảng 13 đến 14 triệu đồng.

Nhưng trong một tháng qua, iPhone khoá mạng bỗng nhiên "hot" trở lại trên thị trường xách tay nhờ sự xuất hiện dòng máy iPhone 5C từ Nhật, với giá chỉ hơn 3 triệu đồng. Và sắp tới, thị trường được dự đoán vẫn còn nhộn nhịp khi có thêm iPhone 5S hay 5 khoá mạng với mức giá rẻ tương tự như 5C.

Tuy nhiên, khi chọn mua các dòng iPhone khoá mạng nói chung, người dùng đều phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn việc chọn hàng quốc tế. Theo những người có kinh nghiệm, iPhone khoá mạng chỉ phù hợp với người dùng am hiểu về công nghệ.

iPhone-5C-9937-1429084739.jpg

iPhone 5C khóa mạng là hàng đã qua sử dụng, không còn thời hạn bảo hành

Hầu hết các dòng iPhone lock đang được bán trên thị trường như 5C có xuất xứ từ các nhà mạng của Nhật và được nhập về Việt Nam thông qua trung gian là các đầu nậu từ Trung Quốc hay Hong Kong để có mức giá rẻ. Máy hầu hết là hàng đã qua sử dụng, không còn thời hạn bảo hành từ Apple và đi theo đường "xách tay" nên chất lượng khó đảm bảo đồng đều, đạt chuẩn như hàng mới. Việc bảo hành thường do chính nơi bán thực hiện.

Ngoài những lỗi về phần cứng, do không còn là hàng mới từ Apple nên iPhone qua sử dụng vẫn có thể gặp những nguy hại từ phần mềm.

iPhone 5C được nhập về thường chỉ có máy trần, không có hộp đựng và phụ kiện.

Cáp, sạc, tai nghe thường là phụ kiện cửa hàng bỏ thêm vào. So với một chiếc máy mới, chất lượng phụ kiện đi kèm với những chiếc iPhone khoá mạng giá rẻ có chất lượng không bằng. Có nơi, để tạo mức giá cạnh tranh sẽ bán kèm các loại phụ kiện giả hoặc làm rởm (hàng lô).


Screen-Shot-2015-04-14-at-3-23-1185-4605

Máy có nhiều lỗi vặt, tự động trừ tiền từ tài khoản di động

Mức giá rẻ của những chiếc iPhone khoá mạng là vì chúng không thể mua được mã (code) để trở thành phiên bản quốc tế, thay vào đó phải sử dụng SIM ghép để "đánh lừa" điện thoại khi lắp các SIM trong nước. Vì vậy, dù sử dụng được nhưng tuỳ từng model, dòng máy của từng nhà mạng mà chất lượng sóng có thể không ổn định. Bên cạnh đó, những lỗi như không kiểm tra được tài khoản bằng lệnh *101#, danh bạ không hiện tên nếu không lưu thêm đầu số +84... là điều thường gặp phải. Khi kích hoạt dữ liệu mạng để vào Internet, người dùng phải mở chế độ Chuyển vùng. Những hạn chế trên có thể khắc phục nhưng phải bằng cách bẻ khoá Jailbreak, can thiệp sâu vào hệ điều hành của iPhone.


Một số người dùng các dòng iPhone 5C hay 5 hoặc 5S khoá mạng Docomo của Nhật cho biết, tài khoản thường xuyên bị trừ tiền vì điện thoại tự động gửi tin nhắn ra đầu số nước ngoài. Nguyên nhân được cho là do một số dòng máy không tương thích với SIM ghép nên thường xuyên kích hoạt, hoặc gửi tin nhắn kiểm tra dịch vụ tới các nhà mạng. Do iPhone khoá mạng bị "đánh lừa" khi lắp các SIM ở Việt Nam nên các tin nhắn gửi được gửi đến các đầu số của nhà mạng quốc tế như tại Nhật, với cước phí như việc gửi tin quốc tế.

Dù hiện tại đã có một số cách khắc phục như việc thay đổi SIM ghép hoặc sử dụng phần mềm, việc trừ tiền ngầm là rủi ro đáng quan tâm ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền người sử dụng.


Hạn chế trong việc nâng cấp, cập nhật phần mềm iOS

Screen-Shot-2015-04-14-at-3-28-2150-1160

Thông thường, Apple cũng như các nhà mạng cũng thường xuyên cập nhật thông số mạng qua các lần cập nhật hệ điều hành iOS cũng như trong quá trình sử dụng. Việc thay đổi này có thể khiến SIM đang sử dụng trở nên không tương thích, thậm chí có thể làm máy không nhận SIM và mất sóng. Vì vậy, lời khuyến với người sử dụng iPhone khoá mạng là đừng vội nâng cấp iOS mỗi khi có bản cập nhật mới.

Tuấn Anh

Nguồn tin từ VnExpress.net